Sự nghiệp văn chương Vi_Ứng_Vật

Thi tập của ông (đều lấy tên là Giang Châu hoặc Tô Châu) gồm 10 quyển, hiện còn lưu truyền.

Vi Ứng Vật có cuộc sống khá khác thường, lúc đầu thì buông thả, về sau lại nhúng nhường, ham đọc sách, rồi trở thành một viên quan thanh liêm, hiểu thấu nỗi cực khổ của dân. Hai lối sống cực đoan đó đã ảnh hưởng tới tính phức tạp trong tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của ông [7].

Nhìn chung trong toàn bộ tác phẩm của ông, thơ tả tâm tình nhàn hạ của kẻ ẩn sĩ chiếm phần lớn, như các bài: "Ký Toàn Tiêu sơn trung đạo sĩ" (Thư gửi đạo sĩ ở trong núi Toàn Tiêu), "Đông giao" (Ngoài thành phía đông), "Đáp Lý Cán" (Trả lời Lý Cán), "Hiệu Đào Bành Trạch" (Bắt chước Đào Bành Trạch), "U cư" (Ở ẩn),...

Một số khác tuy ít hơn, nhưng cũng có nhiều bài hay. Thơ cảm khái của ông cũng có nhiều bài được khen là "chứa chan lòng ưu thời mẫn thế" [1], như các bài: "Đăng cao vọng Lạc thành tác" (Làm lúc lên cao ngắm thành Lạc), "Đăng Trùng Huyền tự các" (Lên gác chùa Trùng Huyền), "Nghĩ cổ thi thập nhị thủ" (Mười hai bài nghĩ cổ),...

Bên cạnh đó, ông cũng có một số bài tỏ rõ sự căm giận đối với giai cấp thống trị, đồng thời cảm thông sâu sắc với người lao động, như các bài "Quảng Đức trung Lạc Dương tác" (Cảm khái khi đang làm quan ở Lạc Dương dưới thời Quảng Đức), "Đáp Thôi Đô thủy" (Đáp Đô thủy họ Thôi), "Tạp thể ngũ thủ" (Năm bài tạp thể),...

Về mặt miêu tả, rải rác trong thơ ông có nhiều bức tranh "rất đẹp và tinh tế", có thể tìm thấy điều đó trong các bài như: "Trừ Châu Tây giản" (Khe suối ở phía Tây Trừ Châu), "Phú đắc mộ tống Lý Tào" (Phú Đắc: buổi chiều mưa tiễn chân Lý Tào), "Đông giao" (Ngoài thành phía đông), "Trường An ngộ Phùng Trứ" (Gặp Phùng Trứ ở Trường An), "Tịch thứ Vu Di huyện" (Đêm nghỉ ở huyện Vu Di),...[1].

Ngoài ra, mảng thơ của ông viết về bạn bè và người quen cũng rất được chú ý vì chúng rất thắm thiết và chân tình; như các bài: "Hoài thượng hỷ hội Lương Xuyên cố nhân" (Trên sông Hoài mừng gặp bạn cũ đất Lương Xuyên), "Ký Lý Đảm, Nguyên Tích" (Gửi Lý Đảm và Nguyên Tích), "Sơ phát Dương Tử ký Nguyên Đại hiệu thư" (Từ bến sông Dương Tử, gửi quan hiệu thư Nguyên Đại), "Tống Phần Thành Vương chủ bạ" (Tiễn quan chủ bạ họ Vương ở Phần Thành), "Thu dạ ký Khâu viên ngoại" (Đêm thu gửi Khâu viên ngoại),v.v...

Về nghệ thuật, thơ của ông rất giống thơ Đào Tiềm, được Bạch Cư Dị, Tô Thức khen lắm (nhất là thơ ngũ ngôn) [8]; và được giới nghiên cứu đánh giá là có phong cách giản dị, đẹp đẽ ("chân mà không mộc mạc, đẹp mà không hoa lệ")[9].